Hướng dẫn nghiệp vụ công tác kiểm tra nội bộ


 

UBND THỊ XÃ ĐÔNG TRIỀU

PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

 

 
 
 

 

 

Số: 835/HD-PGD&ĐT

V/v: Hướng dẫn nghiệp vụ công tác kiểm tra nội bộ trường học từ năm học 2016-2017

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

 
 
 

 

 

Đông Triều, ngày 19 tháng 9 năm 2016

 

       

                        Kính gửi: Các trường MN, TH, THCS trong toàn thị xã

 

        Căn cứ Thông tư số 39/2013/TT-BGDĐT ngày 05/12/2013 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT hướng dẫn về thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục;

        Thực hiện Hướng dẫn số 2215/SGDĐT-TTr ngày 08/9/2016 của Sở GD&ĐT Quảng Ninh về việc hướng dẫn nghiệp vụ công tác kiểm tra từ năm học 2016-2017;

        Thực hiện Hướng dẫn số 2216/SGDĐT-TTr ngày 08/9/2016 của Sở GD&ĐT Quảng Ninh về việc hướng dẫn thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra năm học 2016-2017.

        Để triển khai thực hiện công tác kiểm tra nội bộ của các trường MN, TH, THCS. Phòng Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn nghiệp vụ công tác kiểm tra nội bộ như sau:

        1. Thẩm quyền, đối tượng, hình thức kiểm tra

        1.1. Thẩm quyền kiểm tra:

        - Thẩm quyền kiểm tra nội bộ của các trường MN, TH, THCS là Hiệu trưởng các trường, thành viên ban kiểm tra nội bộ do Hiệu trưởng thành lập, viên chức được cử tham gia đoàn kiểm tra theo quyết định của Hiệu trưởng.

         1.2. Đối tượng kiểm tra:

        - Đối tượng kiểm tra nội bộ của các trường MN, TH, THCS là lãnh đạo, viên chức, người lao động hoạt động trong nhà trường.

        1.3. Hình thức kiểm tra:

        - Kiểm tra theo kế hoạch: Kiểm tra theo các nội dung trong kế hoạch đã được Hiệu trưởng phê duyệt hàng năm. Gồm các nội dung kiểm tra hàng ngày (kiểm tra thường xuyên), kiểm tra theo tuần, tháng, học kỳ.

        Kiểm tra đột xuất: Là hình thức kiểm tra được tiến hành khi phát hiện tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật, theo yêu cầu giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng hoặc do thủ trưởng cơ quan quản lý cấp trên có thẩm quyền giao.

        2. Nội dung kiểm tra

        2.1. Kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ được giao của lãnh đạo, viên chức, người lao động:

        - Việc thực hiện nhiệm vụ được giao của lãnh đạo trường.

        - Nội dung kiểm tra hoạt động sư phạm của nhà giáo bao gồm:

        + Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống;

        + Các công tác được giao: Thực hiện quy chế chuyên môn (thực hiện chương trình, nội dung, kế hoạch dạy học; giáo dục đạo đức, thẩm mỹ, thể chất… chăm sóc, nuôi dưỡng, các yêu cầu về soạn bài; giảng dạy, thí nghiệm, thực hành; tham gia sinh hoạt tổ chuyên môn, tự bồi dưỡng và bồi dưỡng…); trình độ nghiệp vụ, tay nghề; kết quả giảng dạy, giáo dục; công tác chủ nhiệm lớp, hoạt động ngoài giờ lên lớp, công tác Đoàn- Đội-Sao, hoạt động xã hội; kết quả đánh giá xếp loại người học; tham gia công tác khác …

        2.2. Kiểm tra hoạt động của các tổ, khối chuyên môn, các bộ phận thư viện, thiết bị, tài chính, văn thư:

        - Công tác quản lý của tổ trưởng, nhóm trưởng:

        + Hồ sơ chuyên môn; hồ sơ quản lý;

        + Chất lượng dạy - học của tổ, nhóm chuyên môn;

        + Nền nếp sinh hoạt chuyên môn;

        + Kế hoạch bồi dưỡng và tự bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ;

        + Việc chỉ đạo phong trào học tập của học sinh.

        - Công tác thiết bị dạy học, thư viện trong nhà trường:

        + Nội dung kiểm tra thiết bị dạy học bao gồm: Kiểm tra kế hoạch mua sắm thiết bị theo nhu cầu dạy và học; kiểm tra việc xây dựng và bổ sung cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; kiểm tra việc duy trì, bảo quản thiết bị dạy học; kiểm tra việc khai thác, sử dụng thiết bị dạy học;

        + Nội dung kiểm tra thư viện gồm: Kiểm tra cơ sở vật chất (phòng thư viện, thiết bị, bàn ghế, kệ, tủ); kiểm tra việc sắp xếp, bố trí, trang trí, vệ sinh; kiểm tra số lượng và chất lượng sách, báo, tạp chí, bản đồ, tranh ảnh giáo dục, băng đĩa giáo khoa…; kiểm tra hoạt động của cán bộ thư viện (việc thực hiện nội qui, việc cho mượn, thu hồi; hồ sơ sổ sách, bảo quản, giới thiệu, thống kê, phân loại, bổ sung sách báo; thực hiện giờ giấc, tinh thần, thái độ làm việc…).

        - Công tác tài chính, tài sản và công tác kế toán:

        + Thu, chi các khoản đóng góp của cha, mẹ học sinh và học sinh;

        + Các khoản chi ngân sách, chi khác của đơn vị;

        + Việc xác định các khoản chênh lệch thu chi hoạt động và trích lập các quỹ;

        + Các quan hệ thanh toán;

        + Việc quản lý và sử dụng tiền mặt;

        + Việc thực hiện quyết toán thu chi tài chính;

        + Công tác mua sắm, đầu tư xây dựng cơ bản (nếu có);

        + Việc chấp hành các chế độ, nguyên tắc kế toán tài chính.

        - Kiểm tra hoạt động của bộ phận văn thư hành chính.

        Nội dung kiểm tra bao gồm:

        + Việc chuyển, lưu trữ công văn đi, công văn đến;

        + Việc quản lý và sử dụng con dấu;

        + Kiểm tra việc quản lý các hồ sơ, sổ sách hành chính, giáo vụ (sổ đăng bộ, sổ gọi tên ghi điểm, sổ ghi đầu bài, sổ báo giảng, học bạ, sổ quản lý cấp phát văn bằng, chứng chỉ, sổ theo dõi phổ cập giáo dục, sổ nghị quyết của nhà trường, sổ khen thưởng, kỷ luật học sinh, sổ lưu trữ các văn bản, công văn và các loại hồ sơ sổ sách khác...).

        2.3. Kiểm tra công tác bán trú (nếu có):

        - Kiểm tra cơ sở vật chất phục vụ bán trú;

        - Kiểm tra việc thực hiện đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm;

        - Kiểm tra hoạt động của bộ phận nuôi dưỡng, chăm sóc;

        - Kiểm tra kết quả nuôi dưỡng, chăm sóc học sinh.

        2.4. Kiểm tra công tác quản lý của Hiệu trưởng:

        - Việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch (kế hoạch năm học, học kỳ, kế hoạch tháng của trường học và các bộ phận).

        - Công tác chính trị tư tưởng, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

        - Công tác quản lý nhà giáo, nhân viên, phát triển đội ngũ.

        - Việc quản lý và tổ chức giáo dục học sinh.

        - Việc thực hiện Quy định về dạy thêm, học thêm.

        - Quan hệ phối hợp công tác giữa nhà trường với chính quyền địa phương và các đoàn thể.

        - Công tác kiểm tra nội bộ trường học.

        - Việc chỉ đạo công tác hành chính, tài chính, tài sản của nhà trường.

        - Việc xây dựng, cơ sở vật chất thiết bị dạy và học.

        - Việc thực hiện các chế độ, chính sách của Nhà nước với cơ sở giáo dục, nhà giáo, nhân viên và học sinh.

        - Việc thực hiện quy chế dân chủ trong hoạt động của nhà trường.

        - Việc thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục.

        - Việc thực hiện công tác thi đua, các cuộc vận động trong ngành.

        - Việc thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, chống lãng phí.

        - Công tác tiếp dân; giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo.

        3. Quy trình kiểm tra

        3.1. Xây dựng kế hoạch kiểm tra:

        Đầu năm học, hiệu trưởng  xây dựng, phê duyệt kế hoạch kiểm tra, thông báo công khai trong cơ sở giáo dục. Kế hoạch kiểm tra nội bộ hàng năm cần xây dựng dựa trên thực tế phát triển từng mặt trong công tác quản lý, công tác chuyên môn. Ngoài ra, cần căn cứ vào trọng tâm công tác kiểm tra do cơ quan quản lý cấp trên yêu cầu.

        Kế hoạch kiểm tra nội bộ năm học cần nêu rõ:

        - Mục đích, yêu cầu;

        - Nội dung kiểm tra: Nêu khái quát nội dung kế hoạch kiểm tra; tổng số cuộc kiểm tra sẽ thực hiện; đối tượng kiểm tra. Theo từng nội dung kiểm tra cần xác định trọng tâm, trọng điểm kiểm tra nhằm phát hiện và chấn chỉnh sai phạm, thiếu sót, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ năm học (Nội dung chi tiết có Phụ lục đính kèm).

        - Tổ chức thực hiện: Các biện pháp tổ chức thực hiện; trách nhiệm thực hiện.

        3.2. Ban hành quyết định kiểm tra:

        Quyết định kiểm tra gồm các nội dung: Căn cứ pháp lý để kiểm tra; phạm vi, đối tượng kiểm tra; nội dung kiểm tra; thời hạn kiểm tra; thành phần đoàn kiểm tra là viên chức trong các nhà trường đã được bồi dưỡng hoặc tập huấn về nghiệp vụ kiểm tra.

        Hiệu trưởng  ban hành quyết định kiểm tra bằng văn bản, trong phạm vi 15 ngày trước khi thực hiện cuộc kiểm tra phải thông báo cho đối tượng kiểm tra biết (trường hợp kiểm tra đột xuất có thể báo trước hoặc không báo trước tùy theo yêu cầu cuộc kiểm tra).

        3.3. Tiến hành kiểm tra:

        Việc tiến hành kiểm tra bao gồm các bước sau đây:

        - Công bố quyết định kiểm tra.

        - Thu nhận thông tin,tài liệu liên quan đến nội dung kiểm tra.

        - Xem xét, xác minh tính xác thực của các thông tin,tài liệu liên quan đến nội dung kiểm tra.

        - Nghiên cứu, đối chiếu quy định để đưa ra nhận xét, đánh giá về từng nội dung kiểm tra.

        - Làm việc với các đơn vị, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung kiểm tra.

        3.4. Xây dựng báo cáo kết quả kiểm tra và thông báo kết quả kiểm tra:

        - Từng thành viên đoàn kiểm tra khi kết thúc làm việc với đối tượng kiểm tra phải lập biên bản kiểm tra kèm theo hồ sơ từng phần theo nội dung kiểm tra được phân công;

        - Kết thúc việc tiến hành kiểm tra, đoàn kiểm tra có trách nhiệm xây dựng báo cáo kết quả kiểm tra gồm các nội dung sau: Khái quát đặc điểm tình hình; Kết quả kiểm tra, xác minh; Nhận xét, đánh giá từng nội dung đã kiểm tra; Kiến nghị biện pháp xử lý.

        - Thông báo kết quả kiểm tra: Hiệu trưởng thông báo kết quả kiểm tra tại phiên họp nhà trường.

        3.5. Thực hiện xử lý sau kiểm tra:

        Căn cứ kết quả kiểm tra, Hiệu trưởng có trách nhiệm xem xét, xử lý kịp thời kết quả kiểm tra như sau:

        - Đôn đốc, áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền và quy định hiện hành buộc cá nhân, bộ phận thực hiện kiến nghị, quyết định xử lý sau kiểm tra. Trường hợp cá nhân, bộ phận nào gây thiệt hại thì buộc bồi thường theo quy định.

        - Áp dụng theo thẩm quyền hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền áp dụng các hình thức xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính và các hình thức khác theo quy định của pháp luật đối với các cá nhân, bộ phận không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện không đúng thời hạn các kiến nghị, quyết định xử lý.

        Lưu trữ hồ sơ:

        Hồ sơ kiểm tra nội bộ gồm có: Kế hoạch kiểm tra nội bộ năm học; Quyết định thành lập ban kiểm tra nội bộ năm học; phân công nhiệm vụ các thành viên ban kiểm tra nội bộ; Biên bản kiểm tra; Báo cáo kết quả kiểm tra; Thông báo kết quả kiểm tra; văn bản xử lý hoặc kiến nghị xử lý; các tài liệu khác có liên quan.

        Các cơ sở giáo dục có thể vận dụng các biểu mẫu ban hành kèm theo Công văn số 1858/SGDĐT-TTr ngày 16 tháng 9 năm 2009 và Công văn số 1835 /SGDĐT-TTr ngày 11 tháng 9 năm 2009 của Sở Giáo dục và Đào tạo.

        III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

        Căn cứ hướng dẫn trên đây, Phòng GD&ĐT yêu cầu Hiệu trưởng các trường MN, TH, THCS xây dựng kế hoạch kiểm tra nội bộ nhà trường, nghiêm túc triển khai thực hiện./.

 

Nơi nhận:

- Như kính gửi (t/h);

- Cổng TTĐT ngành;

- Các bộ phận Phòng GD&ĐT (p/h);

- Lưu: VT, TTr.

TRƯỞNG PHÒNG

(Đã ký)

 

Lê Thu Trà

 


Chưa có lời bình nào. Bắt đầu