Danh sách bài viết theo chuyên mục
 

TUYÊN TRUYỀN PHÒNG TRÁNH CÁC DỊCH BỆNH MÙA ĐÔNG


TUYÊN TRUYỀN PHÒNG TRÁNH CÁC DỊCH BỆNH MÙA ĐÔNG

Mùa đông với đặc trưng là nền nhiệt độ thấp, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn, độ ẩm không khí giảm, trời hanh khô khiến sức khỏe của con người bị suy giảm, do sức đề kháng kém đi, con người phải tiêu hao nhiều năng lượng hơn. Điều kiện thời tiết thuận lợi tạo điều kiện cho các dịch bệnh hoạt động, đe dọa đến sức khỏe và thậm chí là tính mạng của nhiều người. Cùng tìm hiểu và biết cách phòng tránh các dịch bệnh thường gặp vào mùa đông:

? Em hãy kể tên một số dịch thường gặp vào mùa đông.

? Em hoặc người thân trong gia đình vào mùa đông thường mắc bệnh nào? Đã chữa trị như thế nào?

? Có thể phòng tránh những bệnh đó được không? Biện pháp phòng tránh.

Phòng bệnh tay chân miệng : Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (nhóm B) do vi rút đường ruột gây ra, dễ lây truyền từ người sang người theo đường tiêu hóa và tiếp xúc, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da, chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở trong lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ, tuy nhiên, có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm (viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp) dẫn đến tử vong. Các trường hợp có biến chứng nặng thường do EV71. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, hay gặp ở trẻ dưới 3 tuổi, nhiều hơn ở trẻ dưới 5 tuổi. Tỷ lệ người lành mang trùng cao 71%.

Đường truyền bệnh: Đường tiêu hóa, tiếp xúc trực tiếp qua dịch từ nốt phỏng. Ngoài ra, có một số yếu tố làm gia tăng sự lây truyền và bùng phát như mật độ dân số cao, sống chật chội; điều kiện vệ sinh kém, thiếu nhà vệ sinh, thiếu nước sạch phục vụ cho sinh hoạt.

Khuyến cáo: Vệ sinh cá nhân: rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn ăn, sau đi vệ sinh. Vệ sinh ăn uống: đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, ăn chín, uống chin. Sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày, thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Thu gom và xử lý chất thải sinh hoạt, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.

Cách ly, điều trị kịp thời khi phát bệnh: Hộ gia đình cần chủ động theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện và đưa ngay đến các cơ sở y tế. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh. Không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác.

Phòng bệnh cúm

Bệnh cúm là bệnh nhiễm vi rút cấp tính đường hô hấp (do các chủng vi rút cúm A (H3N2), cúm A (H1N1), cúm B và cúm C gây ra) với các biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Có thể kèm theo các triệu chứng đường tiêu hóa (buồn nôn, nôn, ỉa chảy), đặc biệt ở trẻ em. Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và phục hồi trong vòng 2-7 ngày. Ở trẻ em và người lớn tuổi, người mắc bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc người có suy giảm miễn dịch, bệnh có thể diễn biến nặng hơn như viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não, có thể dẫn đến tử vong. Bệnh có thể xảy ra ở nhiều mức độ khác nhau: đại dịch, dịch, dịch nhỏ địa phương và các trường hợp tản phát.

Bệnh lây lan qua đường hô hấp, qua không khí qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng của bệnh nhân có chứa vi rút cúm qua ho, hắt hơi. Tỷ lệ lây lan càng mạnh khi tiếp xúc trực tiếp và mật thiết, đặc biệt ở nơi tập trung đông người. Trong điều kiện thời tiết lạnh và ẩm thấp, tế bào đường hô hấp của người dễ bị tổn thương, làm tăng tính cảm nhiễm với bệnh.

Khuyến cáo: Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối, giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng. Tiêm vắc xin cúm mùa phòng bệnh. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

Phòng bệnh liên cầu lợn

Bệnh liên cầu lợn là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn liên cầu lợn có tên khoa học là Streptococcus Suis lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu là từ lợn mắc bệnh. Bệnh có các biểu hiện lâm sàng đa dạng, hay gặp nhất là thể viêm màng não (sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, ù tai, điếc, cứng gáy, rối loạn tri giác, xuất huyết đa dạng ở một số nơi trên cơ thể) và sốc nhiễm khuẩn (sốc nhiễm độc, trụy mạch, cơ thể lạnh, tụt huyết áp, nhiễm khuẩn huyết cấp tính, rối loạn đông máu nặng, suy hô hấp, suy đa phủ tạng… dẫn đến hôn mê và tử vong). Thời gian ủ bệnh trung bình từ khi phơi nhiễm đến khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên khoảng 2 ngày, dao động từ 3 giờ đến 14 ngày.

Phương thức lây truyền: Người bị nhiễm Streptococcus Suis thường do tiếp xúc trực tiếp (chăn nuôi, giết mổ) hoặc sử dụng các sản phẩm từ lợn như tiết canh, thịt, phủ tạng của lợn ốm, chết chưa được nấu chín. Vi khuẩn xâm nhập qua các vùng tổn thương hở trên da hoặc niêm mạc, khu trú và phát triển tại chỗ, qua hạch bạch huyết vào máu và gây bệnh cho nhiều cơ quan, phủ tạng.

Khuyến cáo: Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Không ăn tiết canh, nội tạng lợn và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín (lòng, tim, gan, thận chần tái, thịt tái, nem chua, nem chạo…). Không sử dụng thịt lợn có mầu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng, không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, lợn chết. Tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định. Khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như sốt cao đột ngột và có các tiền sử chăn nuôi, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Phòng bệnh sởi

Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm gây dịch, do vi rút sởi gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc cũng có thể gặp người lớn, do chưa được tiêm phòng sởi hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm đủ liều. Biểu hiện của bệnh bao gồm: sốt, phát ban và viêm long đường hô hấp, xuất huyết các hạt nhỏ màu trắng ở niêm mạc miệng. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, thậm chí có thể viêm não dễ dẫn đến tử vong, bệnh đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng.

Bệnh sởi rất dễ lây lan, đặc biệt là ở những nơi tập trung đông người như trong trường học. Bệnh lây theo đường hô hấp qua các giọt bắn dịch tiết từ đường hô hấp của người mắc bệnh hoặc cũng có thể qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua bàn tay bị ô nhiễm với các dịch tiết đường hô hấp có chứa mầm bệnh. Trẻ em không được tiêm vắc xin sởi và những người không có miễn dịch với vi rút sởi đều có thể bị mắc sởi. Thời kỳ ủ bệnh kéo dài từ 7-18 ngày, trung bình 10 ngày. Thời kỳ lây truyền từ 5 ngày trước cho tới 5 ngày sau phát ban.

Khuyến cáo: Chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc xin sởi hoặc trẻ từ 1 tuổi đến 14 tuổi tiêm vắc xin Sởi Rubella đầy đủ và đúng lịch. Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ. Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khăm, tư vấn điều trị kịp thời.

Phòng bệnh rubella

Rubella là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây nên. Biểu hiện ban đầu của bệnh: mệt mỏi, đau đầu, sốt nhẹ, viêm mũi xuất tiết nhẹ và viêm màng kết mạc mắt, sau đó nổi hạch và phát ban ở mặt sau lan toàn thân gần giống ban sởi. Bệnh rất nguy hiểm đối với bà mẹ có thai do nhiễm rubella trong thời kỳ đầu khi mang thai có thể gây ra sảy thai, thai chết lưu hoặc đẻ non. Trẻ sinh ra từ các bà mẹ này có nguy cơ cao mắc hội chứng rubella bẩm sinh với nhiều dị tật nghiêm trọng như dị tật tim, điếc, đục thủy tinh thể, chậm phát triển…

Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do ho, hắt hơi, tiếp xúc gần với người bị nhiễm hoặc dịch tiết mũi họng. Bệnh có khả năng lây lan cao nên có thể gây dịch lớn. Tất cả những người chưa có miễn dịch với rubella đều có nguy cơ mắc bệnh, nhóm người có nguy cơ cao là trẻ em, thiếu niên và thanh niên.

Khuyến cáo: Tiêm vắc xin rubella đơn giá hoặc phối hợp vắc xin sởi- rubella đầy đủ và đúng lịch cho trẻ từ 1 tuổi đến 14 tuổi; phụ nữ nên tiêm phòng trước khi thai ít nhất 3 tháng, khi đã mang thai thì không nên tiêm. Không đến gần, tiếp xúc với người nghi mắc bệnh rubella. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng hàng ngày. Đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ. Tăng cường dinh dưỡng. Khi phát hiện có các dấu hiệu nghi mắc bệnh rubella cần được cách ly và đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời.

Trên đây là những thông tin và kiến thức cũng như các khuyến cáo của Bộ Y tế về một số dịch bệnh mùa đông xuân tới các em giúp các em nâng cao nhận thức và hiểu biết của mình về các biện pháp phòng chống dịch. và mỗi HS nhận thức được vai trò và trách nhiệm của bản thân trong phòng chống bệnh dịch của bản thân, gia đình và trong cộng đồng.

Sau buổi tuyên truyền của cô mỗi học sinh chúng ta tiếp tục tìm hiểu về dịch bệnh mùa đông xuân và sẽ là một tuyên truyền viên đến gia đình và cộng đồng. 

                                                                                             GV tuyên truyền

                                                                                              Nguyễn Thị Hiển

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Chưa có lời bình nào. Bắt đầu