Danh sách bài viết theo chuyên mục
 

BÀI TUYÊN TRUYỀN “Phòng chống bệnh sốt xuất huyết”


BÀI TUYÊN TRUYỀN

"Phòng chống bệnh sốt xuất huyết"

1. Thực trạng dịch bệnh.

Hiện nay, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, Việt Nam nằm trong khu vực lưu hành và chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh sốt xuất huyết.

Từ đầu năm 2018 đến nay Quảng Ninh có số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh là 16, trong đó 10 ca dương tính.

Theo thông báo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Ninh, đầu tháng 3 năm 2018 toàn tỉnh ghi nhận 6 ca mắc sốt xuất huyết mới. Các ca bệnh ở các địa phương: Cẩm Phả 1, Hoành Bồ 1, Hải Hà 2, Uông Bí 1 và 1 ca vãng lai. Trong đó, kết quả xét nghiệm 5 ca dương tính.

Nguyên nhân của sự ra tăng dịch bệnh thời gian qua là do thời tiết thay đổi thất thường, nhiệt độ hầu hết các khu vực cao hơn những năm trước, dẫn đến muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển mạnh; tập quán tích trữ nước của người dân chưa có thay đổi đáng kể; tốc độ đô thị hóa nhanh, môi trường tại các công trình xây dựng chưa được quan tâm xử lý đúng mức, việc triển khai phun hóa chất tại nhiều khu vực gặp khó khăn, dẫn đến phát sinh các ổ lăng quăng (bọ gậy) của muỗi truyền bệnh.

 2. Nguyên nhân của bệnh, cách lây truyền:

Bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue (Đen- gơ) gây nên. Virus Dengue lây truyền từ người bệnh sang người lành qua loài muỗi có tên là Aedes aegypti ( An-des-ê-gyp-ti) thường được gọi là muỗi vằn.

Muỗi vằn có màu đen, trên thân và chân có những đốm trắng. Muỗi thường đậu ở quần áo, chăn, màn trong nhà.

Muỗi vằn hoạt động hút máu, cao nhất là vào sáng sớm và chiều tối.

* Lưu ý : Dịch sốt xuất huyết thường xảy ra theo mùa, dịch bắt đầu từ tháng 4 và kéo dài đến cuối năm, cao nhất vào tháng 7,8,9,10. Cả người lớn và trẻ em đều có thể bị mắc sốt xuất huyết.

Vòng đời của muỗi vằn trải qua 4 giai đoạn : trứng, bọ gậy, lăng quăng, muỗi trưởng thành.

* Biểu hiện của bệnh:

- Sốt cao đột ngột, kéo dài từ 2-7 ngày, mệt mỏi, đau đầu,đau hốc mắt, đau nhức các khớp.

- Có hoặc không có ban đỏ, xuất huyết niêm mạc, chảy máu cam, tiểu ít, nôn ra máu, đi ngoài phân đen…

3. Cách phòng chống bệnh sốt xuất huyết:

- ​Diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. ​

- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

- Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, lốp xe cũ, hốc tre, bẹ lá... ​

- Mặc quần áo dài, ngủ màn phòng muỗi đốt ngay kể cả ban ngày. Sắp xếp quần áo, đồ vật trong nhà gọn gàng, ngăn nắp, dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ nơi ở, nơi làm việc..

- Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.

- ​ Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện ăn chín, uống chín, không uống nước lã. 

- Dùng thuốc xịt muỗi, nhang diệt muỗi, vợt muỗi bằng điện…Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng dịch. Khi có dấu hiệu bất thường nghi nhiễm bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

* Vì sức khỏe của mỗi gia đình và của cả cộng đồng. Nhà trường kêu gọi tất cả mọi người hãy quan tâm thực hiện tốt các biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết với khẩu hiệu: "Không có lăng quăng, không có muỗi vằn, không có sốt xuất huyết.

Đông Triều, ngày 28 tháng 3 năm 2018

                                                                               Ban Y tế nhà trường


Chưa có lời bình nào. Bắt đầu