Danh sách bài viết theo chuyên mục
 

Nội dung tuyên truyền "Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam"


Nội dung tuyên truyền                                                                                             "Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam"

Cách đây 67 năm ngày 09 tháng 11 năm 1946 đã trở thành lịch sử, ngày đánh dấu mốc son trong lịch sử lập pháp của Việt Nam - đây chính là ngày mà Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ban hành bản Hiến pháp năm 1946 – đạo luật cơ bản đầu tiên, một "tài sản" đặc biệt của Nhà nước ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc sử dụng công cụ pháp luật, đặc biệt là Hiến pháp để thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, góp phần vào công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Xuất phát từ tư tưởng của Người, sau 66 năm ngày 09 tháng 11 lại được khẳng định giá trị, khi chính thức được ghi nhận trong luật bởi sáng kiến và sự tham mưu của Ngành Tư pháp về "Ngày Pháp luật Việt Nam - ngày 09 tháng 11.

Sau Hiến pháp năm 1946, nước ta đã có thêm 3 Hiến pháp (1959, 1980, 1992), những giá trị dân chủ, quyền con người, quyền công dân, tư tưởng và mô hình tổ chức nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946 luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tất cả các Hiến pháp và toàn bộ hệ thống pháp luật của nước ta. Chính vì vậy, theo đề xuất của Chính phủ, ngày 09/11- Ngày ban hành Hiến pháp năm 1946 được xác định là Ngày pháp luật Việt Nam; đã được chính thức luật hóa tại Điều 8, Luật phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012: " Ngày 09/11 hằng năm là Ngày pháp luật Việt Nam. Ngày pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội".

Như vậy, sau qui định của Hiến pháp về ngày Quốc khánh, đây là lần thứ hai, có một đạo luật qui định về một sự kiện chính trị, pháp lý được tổ chức hằng năm - Ngày pháp luật Việt Nam của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Do đó, Ngày Pháp luật Việt Nam có muc đích, ý nghĩa như sau:

Thứ nhất, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật: Ngày Pháp luật được tổ chức hằng năm nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, đề cao giá trị của Hiến pháp, pháp luật trong nhà nước pháp quyền, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Với ý nghĩa đó, mọi tổ chức, cá nhân tập trung nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật, góp phần đưa các quy định của pháp luật đi vào cuộc sống, từ đó lan tỏa sâu rộng để tất cả các ngày trong năm đều là Ngày Pháp luật.

Thứ hai, xây dựng niềm tin, tình cảm, thái độ ứng xử phù hợp với quy định của Hiến pháp, pháp luật: Pháp luật của nước ta đảm bảo nguyên tắc công bằng, minh bạch, ghi nhận, bảo vệ, bảo đảm quyền, lợi ích cho mỗi cá nhân và sự hài hòa các loại lợi ích trong xã hội. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh hiến pháp, pháp luật; xây dựng niềm tin, tình cảm, thái độ, hành vi ứng xử phù hợp với quy định của hệ thống pháp luật, ý thức bảo vệ pháp luật của toàn dân.

Thứ ba, đề cao giá trị con người, xây dựng nhân cách tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật, của kỷ cương, phép nước: Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm đề cao giá trị con người, xây dựng nhân cách; đề cao ý thức làm chủ, tôn trọng kỷ luật, tự do trong khuôn khổ pháp luật; coi trọng các giá trị đạo đức tốt đẹp; ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, lòng yêu nước, xây dựng lối sống, nếp sống văn hoá; bồi dưỡng ý thức và năng lực phát huy giá trị văn hoá dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại là những điều kiện quan trọng góp phần hình thành con người về mặt tâm hồn, nhân cách, để mỗi con người tự ý thức về mình, về cộng đồng, về dân tộc, về đất nước. Đây chính là yếu tố tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật, của kỷ cương, phép nước, cùng tích cực hành động vì một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.

Thứ tư, nâng cao hiệu quả xây dựng, phổ biến, giáo dục pháp luật và thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân:

- Bản chất của nhà nước pháp quyền chính là tính thượng tôn của pháp luật trong tổ chức đời sống kinh tế, xã hội của một quốc gia. Nhà nước pháp quyền đòi hỏi một hệ thống pháp luật hoàn thiện, bao gồm tính thống nhất, ổn định, minh bạch, công bằng và dân chủ. Tổ chức Ngày Pháp luật góp phần đáp ứng các yêu cầu trên và trở thành một trong những điều kiện quan trọng thúc đẩy tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

- Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm động viên toàn dân đoàn kết, nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật, tự giác chấp hành Hiến pháp, pháp luật, tích cực tham gia bảo vệ pháp luật.

- Đối với việc thi hành pháp luật, tổ chức Ngày Pháp luật nhằm động viên toàn xã hội thi hành pháp luật nghiêm minh, công bằng, thống nhất; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tội phạm, tham nhũng; quan tâm giải quyết khiếu nại, tố cáo; xây dựng nền hành chính trong sạch, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động hành chính, từ đó nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, khả năng thực thi pháp luật trong mọi hoạt động quản lý Nhà nước, hoạt động kinh tế xã hội và sinh hoạt hàng ngày của nhân dân.

Thứ năm, hướng tới xây dựng nền văn hóa pháp lý: Văn hóa pháp luật rất hiện hữu, được thể hiện hàng ngày ở tất cả các lĩnh vực hoạt động của nhà nước, cá nhân và xã hội, trong nội dung, thực hành, áp dụng Hiến pháp, pháp luật, trong tất cả những vấn đề liên quan đến con người, quyền, tự do, trách nhiệm của con người. Để hình thành nền văn hóa pháp luật, nâng cao trình độ văn hóa cần phải xây dựng lối sống theo pháp luật. Lối sống theo pháp luật thể hiện một trạng thái thường xuyên, thường ngày, được tạo lập từ các thói quen ứng xử theo pháp luật của con người ở mọi nơi, mọi lúc, mọi hoàn cảnh. Lối sống theo pháp luật đòi hỏi trình độ nhận thức pháp luật, nhận thức về sự cần thiết và giá trị xã hội của pháp luật từ phía các cá nhân; ý thức tự nguyện, từ những lợi ích, từ mức độ hài lòng của dân chúng vào hệ thống pháp luật mà họ được thụ hưởng, từ thái độ, tình cảm của con người đối với pháp luật. Ngày Pháp luật được tổ chức với ý nghĩa đó.

Năm 2013 là năm đầu tiên chúng ta tổ chức Ngày Pháp luật với quy mô rộng lớn, thống nhất trong phạm vi cả nước. Đồng thời, đây cũng là năm ghi nhận một sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị - pháp lý của đất nước, đó là việc toàn dân tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Hiến pháp (sửa đổi) của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. Vì vậy, Ngày Pháp luật năm 2013 có ý nghĩa quan trọng, trở thành ngày hội sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng trong phạm vi toàn quốc, nhằm phát huy ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân trong thực hành "Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật".

Chính vì vậy, Ngày Pháp luật năm nay có ý nghĩa đặc biệt, vừa là sự tiếp nối đợt sinh hoạt chính trị-pháp lý sâu rộng nêu trên, nhằm phát huy ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, đồng thời là tiền đề, là cơ sở để tổ chức Ngày Pháp luật trong những năm tiếp theo có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả thiết thực hơn.

Ngày Pháp luật được tổ chức một mặt nhằm tạo bước phát triển mới trong việc nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vốn được coi là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị tư tưởng; mặt khác, Ngày Pháp luật còn có tác dụng nhắc nhở nhân dân tôn trọng, nghiêm chỉnh thực hiện pháp luật, thực hành tự giác: "Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật". Đối với công chức, viên chức Nhà nước, Ngày Pháp luật là cơ hội để mỗi người tự soi mình, suy ngẫm để tự điều chỉnh ý thức và thái độ hành xử trong quan hệ với nhân dân sao cho xứng đáng với sự chờ đợi và đòi hỏi của người dân, của xã hội về một Nhà nước gần dân, vì dân và về một đội ngũ công chức "phụng công thủ pháp".

Có thể khẳng định "Ngày Pháp luật" đã được hưởng ứng rộng khắp ở các địa phương trên cả nước, các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội nghề nghiệp, thông qua sinh hoạt "Ngày Pháp luật" sẽ phổ biến, tuyên truyền đến người dân những văn bản pháp luật mới ban hành. Bên cạnh đó, "Ngày Pháp luật" còn giúp cán bộ làm công tác tuyên truyền pháp luật giải đáp những thắc mắc của người dân liên quan đến các lĩnh vực pháp luật, từ đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của luật pháp trong đời sống xã hội, giúp cho những chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến gần với người dân hơn và dễ dàng đi vào cuộc sống, mọi tầng lớp nhân dân đều "Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật", góp phần thắng lợi vào mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền của Đảng và Nhà nước ta.

 


Chưa có lời bình nào. Bắt đầu